6 loại thực phẩm tránh dùng khi uống cà phê

0
44

Người uống cà phê nên tránh một số thực phẩm như trái cây họ cam quýt, thịt đỏ, sữa, đồ chiên rán, ngũ cốc, thực phẩm giàu natri để tối ưu lợi ích sức khỏe.

Cà phê có thể tạm thời tăng cường năng lượng và mang lại lợi ích sức khỏe khác, bổ sung hiệu quả cho chế độ ăn uống cân bằng. Nghiên cứu cho thấy uống cà phê lượng vừa phải có thể ngăn ngừa các bệnh liên quan đến stress, oxy hóa và viêm nhiễm, chẳng hạn tiểu đường type 2 và một số loại ung thư. Tuy nhiên, cà phê cũng có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ một số chất dinh dưỡng, làm giảm hoặc tăng tác dụng của một số loại thực phẩm.

Mỗi người có cơ địa khác nhau và có thể dung nạp các kết hợp thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên bạn nên tránh một số loại thực phẩm khi uống cà phê, cụ thể như sau:

Trái cây họ cam quýt

Uống cà phê khi ăn trái cây họ cam quýt có thể gây khó tiêu vì cà phê có tính axit tự nhiên. Độ pH của cà phê trung bình từ 4,85 đến 5,13 trên thang điểm từ 0 đến 14, số càng thấp cho thấy độ axit càng cao.

Trái cây họ cam quýt và nước ép của chúng cũng có tính axit cao và có thể góp phần gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Bệnh này thường có các triệu chứng khó chịu như buồn nôn, đầy hơi và ợ nóng. Uống cà phê ăn kèm trái cây họ cam quýt có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và làm trầm trọng các triệu chứng đó.

Vị chua, chát của trái cây họ cam quýt cũng có thể làm thay đổi hương vị của cà phê, khiến cà phê đắng hơn và kém ngon hơn. Tốt nhất nên thưởng thức trái cây họ cam quýt riêng với cà phê để cảm nhận trọn vẹn hương vị của chúng và tận dụng lợi ích sức khỏe mà không gây khó tiêu.

Thịt đỏ

Nghiên cứu cho thấy cà phê có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng trong ruột, đặc biệt là sắt. Thịt đỏ là một trong những nguồn cung cấp sắt heme (dạng sắt tự nhiên và dễ hấp thu nhất) tốt nhất, nghĩa là uống cà phê cùng lúc ăn loại thịt này có thể làm giảm lợi ích sức khỏe của nó.

Một nghiên cứu đã kiểm tra tác động của cà phê đối với nồng độ ferritin trong huyết thanh và phát hiện uống ba cốc cà phê trở lên mỗi ngày làm giảm đáng kể nồng độ sắt. Trên thực tế, sự hấp thụ sắt sau bữa ăn giảm khoảng 39% sau khi uống cà phê.

Sắt đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, bao gồm hỗ trợ tuần hoàn máu, sản xuất hormone và chức năng miễn dịch. Thiếu máu do thiếu sắt là một trong những vấn đề dinh dưỡng phổ biến nhất trên thế giới, làm nổi bật tầm quan trọng của thực phẩm giàu sắt. Hãy chọn các nguồn protein khác với cà phê buổi sáng của bạn và để dành thịt đỏ cho thời điểm cơ thể bạn có thể dễ dàng hấp thụ sắt của nó.

Uống cà phê cùng lúc với ăn loại thịt này có thể làm giảm lợi ích sức khỏe của nó.

Sữa

Sữa là nguồn canxi tuyệt vời, rất cần thiết cho sức khỏe của xương, chức năng cơ bắp, đông máu và sản xuất hormone. Một cốc sữa không béo đáp ứng 23% giá trị hàng ngày (DV) được khuyến nghị cho canxi trung bình đối với người lớn khỏe mạnh.

Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng kết hợp sữa và cà phê có thể cản trở sự hấp thụ canxi. Nói cách khác, caffeine trong cà phê có thể làm giảm sự hấp thụ canxi trong chế độ ăn uống. Canxi không được hấp thụ sẽ bài tiết qua nước tiểu. Lượng canxi này cao có liên quan đến tăng nguy cơ sỏi thận và các vấn đề về sức khỏe xương.

Những người thích uống sữa trong cà phê có thể cần đáp ứng nhu cầu canxi của họ bằng các thực phẩm khác vào thời điểm khác nhau trong ngày. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn điều chỉnh nhu cầu canxi của mình và thiết kế một kế hoạch bữa ăn phù hợp.

Đồ chiên rán

Nghiên cứu cho thấy tăng cà phê có thể dẫn đến tăng nguy cơ rối loạn lipid máu, tức là mức độ chất béo bất thường trong máu. Uống ba cốc cà phê trở lên mỗi ngày có thể làm tăng cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) (cholesterol “xấu”), điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Nó cũng có thể làm giảm cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) (cholesterol “tốt”), hỗ trợ sức khỏe tim mạch.

Ăn đồ chiên thường xuyên tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, những người thích uống cà phê có thể cần hạn chế lượng đồ chiên để duy trì sức khỏe tim mạch.

Nghiên cứu cho thấy ăn đồ chiên 4 lần trở lên mỗi tuần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Hãy chú ý đến tần suất bạn tiêu thụ các bữa ăn có đồ chiên và tỷ lệ cà phê so với đồ chiên của bạn.

Ngũ cốc ăn sáng

Nhiều loại ngũ cốc ăn sáng được bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu. Ví dụ, ngũ cốc ăn sáng, thường được bổ sung kẽm, là nguồn cung cấp khoáng chất thiết yếu đáng kể cho nhiều chế độ ăn uống.

Tuy nhiên, cà phê có thể cản trở hấp thu kẽm. Hiện tại không có nghiên cứu nào phân tích mối quan hệ giữa lượng cà phê và sự hấp thụ chất dinh dưỡng từ ngũ cốc ăn sáng bổ sung dưỡng chất, nhưng tốt nhất nên tách hai loại này ra.

Nghiên cứu chưa xác định được thời gian chờ tiêu chuẩn giữa việc ăn ngũ cốc và uống cà phê. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp lập kế hoạch cho một bữa ăn cân bằng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của từng cá nhân.

Thực phẩm giàu natri

Cà phê chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp. Nghiên cứu chỉ ra rằng uống 1-3 cốc cà phê mỗi ngày không có khả năng gây ra tác dụng phụ đối với mức huyết áp nhưng lượng caffeine dư thừa có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp (huyết áp cao).

Nghiên cứu cho thấy lượng natri ăn vào cơ thể có tương quan trực tiếp với huyết áp. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị không nên dùng quá 2.300 miligam (mg) natri mỗi ngày. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn điều chỉnh lượng natri và kết hợp cà phê một cách an toàn, nếu muốn.

Nguồn: VnExpress (Theo Health)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here