8 yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ

0
0

Danh mục dự án

Đột quỵ xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, suy giảm hoặc gián đoạn. Một số yếu tố liên quan đến vấn đề sức khỏe, thói quen sinh hoạt kém lành mạnh có thể dẫn đến đột quỵ.

8 yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ

Tiểu đường

Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn bình thường do lượng đường trong máu cao gây tổn thương và làm cứng các mạch máu, dẫn đến hình thành cục máu đông, làm tắc nghẽn dòng máu lên não và gây ra đột quỵ. Bên cạnh đó, tiểu đường và đột quỵ cũng có chung một số yếu tố nguy cơ, gồm chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động.

Huyết áp cao

Phần lớn các trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ đều liên quan đến huyết áp cao. Khi huyết áp tăng không được kiểm soát cũng có thể gây vỡ động mạch, dẫn đến xuất huyết não. Người bệnh cần duy trì huyết áp ổn định thông qua việc giảm tiêu thụ muối, tăng cường ăn rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt, thường xuyên tập thể dục, dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ để giảm nguy cơ.

Nghiện rượu

Thói quen uống quá nhiều rượu cũng là một yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ. Rượu có thể gây mất nước, làm cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, dễ bị đột quỵ. Nếu có thói quen uống rượu, hãy giới hạn ở mức một ly mỗi ngày đối với nữ và hai ly đối với nam.

Thói quen uống quá nhiều rượu cũng là một yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ.

Hút thuốc

Hút thuốc là một trong những yếu tố phổ biến làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, việc từ bỏ thói quen này không chỉ giảm nguy cơ đột quỵ mà còn mang lại lợi ích sức khỏe cho cả người hút và những người xung quanh. Bạn có thể áp dụng các biện pháp cai thuốc, tham khảo ý kiến từ bác sĩ, có thể giúp quá trình bỏ thuốc trở nên dễ dàng hơn.

Mức cholesterol cao

Cholesterol xấu (LDL) tăng cao làm gây tắc nghẽn động mạch não, gia tăng nguy cơ đột quỵ. Để giảm chỉ số này, người bệnh nên hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa, tránh ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn và duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên. Trong trường hợp không thể mức cholesterol khỏe mạnh qua lối sống, việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là cần thiết để bảo vệ sức khỏe.

Lối sống ít vận động

Đây cũng là một yếu tố làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, người không tập thể dục thường xuyên có thể dẫn đến béo phì và tình trạng kháng insulin. Để giảm nguy cơ, người trưởng thành khỏe mạnh nên duy trì thói quen tập thể dục vừa phải (đi bộ, đạp xe hoặc yoga) 20-30 phút mỗi ngày. Hoặc các bài tập rèn luyện sức mạnh cường độ cao như chạy bộ, nâng tạ hoặc plank cũng nên thực hiện 2-3 ngày mỗi tuần.

Bệnh tim

Người có tiền sử đau tim hoặc rung tâm nhĩ (nhịp tim không đều) có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nhiều lần so với người bình thường. Rung tâm nhĩ có thể làm hình thành cục máu đông trong buồng tim, từ đó cục máu đông di chuyển lên não. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị hoặc các biện pháp kiểm soát tình trạng này.

Căng thẳng và trầm cảm

Đột quỵ cũng có liên quan đến sức khỏe tinh thần. Căng thẳng kéo dài có thể tàn phá sức khỏe, từ đó dẫn đến tăng huyết áp và lượng đường huyết. Kiểm soát căng thẳng, trầm cảm, tức giận và lo lắng đều rất quan trọng để góp phần giảm nguy cơ đột quỵ. Thực hành các hoạt động như thiền, yoga, đi dạo ngoài trời, nghe nhạc êm dịu, đảm bảo ngủ đủ giấc không chỉ giúp cải thiện tâm trạng mà còn tốt cho não bộ và sức khỏe tổng thể.

Nguồn: VnExpress

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here